MÔ HÌNH LO ĐỐT RÁC HỘ GIA ĐÌNH XÃ EA KNUẾC CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 120 NĂM THÀNH LẬP TỈNH ĐĂK LĂK.
Trên địa bàn xã Ea Knuếc có 14 thôn, buôn và 01 khu chợ tại trung tâm xã. Lượng rác thải hàng ngày từ các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình tương đối lớn. UBND xã đã vận động thành lập một tổ thu gom rác cộng đồng để giải quyết tình hình trên. Tuy nhiên, lượng chất thải quá nhiều gây ra tình trạng quá tải, làm ảnh hưởng đến việc thu gom và xử lý rác.
Cùng với việc thực hiện Kế hoạch số 224-KH/ĐU, ngày 29/9/2023 của Đảng ủy xã Ea Knuếc về triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TU ngày 23/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024); gắn với kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng huyện Krông Pắc (17/3/1975 - 17/3/2024).
Ngày 07/11/2023, UBND Xã Ea Knuếc đã xây dựng Kế hoạch số 106/KH-UBND triển khai thực hiện mô hình “Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình” (sau đây gọi tắt là mô hình). Đây là hoạt động vô cùng thiết thực hướng tới kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk và 49 năm ngày giải phóng huyện Krông Pắc. Bên cạnh đó, Mô hình còn có tác động tích cực đối với việc thực hiện tiêu chí số 17 về Môi trường (thuộc Bộ tiêu chí xã nông thôn mới), góp phần giảm thiểu lượng chất thải phải thu gom và xử lý tại bãi rác của xã. Nhận thức của người dân về vấn đề bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp được nâng cao.
Ông Trần Đàm - Quyền chủ tịch UBND xã phát biểu sơ kết phát động mô hình lò đốt rác hộ gia đình.
Ngoài ra, việc triển khai mô hình còn nằm trong kế hoạch xây dựng xã Ea Knuếc đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao nói riêng và phong trào thi đua “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” nói chung.
Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Người dân chủ động đầu tư xây dựng các lò đốt rác theo điều kiện, nhu cầu sử dụng của mỗi hộ, chi phí thực hiện trung bình từ 1.000.000 đồng/lò trở lên, hầu hết các lò đốt có thể tích chứa khoảng 1 mét khối, xung quanh được xây bằng gạch ống, phía trên có ống dẫn khói, bên trong gồm 2 ngăn chứa được ngăn cách bằng lưới thép dày (ngăn trên chứa rác, ngăn dưới chứa chất đốt và than tro sau khi rác cháy). Bên trên lò được lợp mái tôn hoặc ngói giúp việc đốt rác diễn ra bình thường ngay cả trong thời tiết có mưa. Với kết cấu phù hợp nên lửa trong lò thường cháy lớn, rác được đốt cháy gần như hoàn toàn, bên cạnh đó hệ thống thu - thoát khí cũng giúp hạn chế tối đa lượng khói xả vào môi trường.
Ông TRiệu Văn Khánh - Phó bí thư thường trực Đảng ủy - Chủ tịch HĐND xã phát biểu chỉ đạo tại buổi sơ kết mô hình lò đốt rác hộ gia đình.
Ngoài ra người dân còn được hướng dẫn phân loại chất thải thành các nhóm: Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh...) được tái sử dụng hoặc đem bán; Chất thải thực phẩm (thức ăn thừa, rau, củ, quả, xác động vật...) được tận dụng làm thức ăn cho vật nuôi hoặc ủ để làm phân bón cho cây trồng; Chất thải rắn sinh hoạt khác (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải) được được xử lý chôn hoặc đốt.
Video Clip giới thiệu mô hình lò đốt rác của hộ Ông Hoàng Ngọc Chiến Thôn Tân Hòa 1.
Do đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ dân trên địa bàn về tính năng cũng như hiệu quả của việc sử dụng lò đốt rác, đến nay mô hình lò đốt rác tại hộ gia đình đã mang lại hiệu quả thiết thực, rác thải trên địa bàn được người dân thu gom và xử lý theo quy định, không còn việc xả rác bừa bãi ra vườn, sông suối, áo hồ, ven đường gây ô nhiễm môi trường như trước đây. Qua đó từng bước góp phần bảo vệ môi trường trong lành ở khu dân cư nói riêng và trên địa bàn xã nói chung.
Có được kết quả này trước tiên cán bộ, đảng viên của xã gương mẫu đi đầu thực hiện mô hình, theo đó nhân dân thấy được việc thực hiện mô hình là có lợi cho sức khỏe, đảm bảo môi trường xung quanh, nâng cao đời sống cho nhân dân nên tích cực tham gia.
Mô hình lò đốt rác, xử lý rác thải tại hộ gia đình là việc làm đơn giản, dễ thực hiện, tốn ít diện tích nhưng giải quyết hiệu quả tại chỗ rác thải sinh hoạt của các gia đình và hạn chế gây ô nhiễm môi trường, góp phần làm cho bộ mặt khu dân cư thêm sạch đẹp, khang trang. Từ đó đã thu hút được đông đảo nhân dân cùng tham gia, đến nay đã có 20 hộ dân tại Thôn Tân Hòa 1 và Thôn Tân Hòa 2 tiên phong thực hiện đã thu hút hơn 100 hộ gia đình ở các Thôn, buôn khác trên địa bàn xã đã đến tham quan, học hỏi để nhân rộng và tự bỏ kinh phí để xây dựng lò đốt rác tại gia đình mình.
Cứ 1 tuần một lần, Ông Lê Việt Hùng ở Thôn Tân Hòa 1 lại phân loại rác của gia đình để đem ra lò đốt rác để đốt. Từ khi có lò đốt rác, việc xử lý các loại rác thải sinh hoạt hàng ngày của gia đình Ông đã thuận tiện hơn trước đây rất nhiều. Trước đây, khi chưa có lò đốt rác, gia đình Ông thường gom để từ 2 đến 5 ngày mới đem ra vườn hoặc nơi thuận tiện để tiêu hủy. Từ khi xây dựng các lò đốt rác này, tất cả rác thải sinh hoạt trong gia đình đều được thu gom và phân loại, sau khi xử lý, rác thải trong sinh hoạt được Ông Hùng phân loại: rác hữu cơ thì ủ để làm phân bón cây trồng; loại vô cơ đưa vào lò đốt, tránh ô nhiễm môi trường.
Mô hình lò đốt rác của hộ Ông Lê Việt Hùng - Bí thư kiêm thôn trưởng Thôn Tân Hòa 1.
Với ưu điểm rẻ tiền, tiện lợi khi sử dụng, lò đốt rác thải sinh hoạt gia đình có quy mô nhỏ, sau khi đốt rác, người dân còn có thể tận dụng lượng tro, ủ làm phân bón dùng trong sản xuất nông nghiệp. Mô hình “Lò đốt rác gia đình” trên địa bàn xã Ea Knuếc đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng ý thức vệ sinh môi trường, xử lý rác thải tập trung trong cộng đồng dân cư. Đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng hướng tới kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024); gắn với kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng quận lỵ Phước An (17/3/1975 - 17/3/2024).
Hình ảnh một số mô hình lò đốt rác của các hộ dân của thôn Tân Hòa 1 và Thôn Tân Hòa 2 trên địa bàn xã Ea Knuếc.